Ngăn chia không gian với thạch cao

Ngăn chia không gian với thạch cao

Ngăn chia không gian với thạch cao trong ngôi nhà.

Xu hướng dân cư hiện nay là dịch chuyển lên sống trong các mô hình căn hộ chung cư cao tầng, vật liệu thạch cao đang dần tỏ rõ vai trò thay thế cho các loại vật liệu truyền thống trong việc ngăn chia không gian.Tuy đã từng bước tạo nên trào lưu vách nhẹ cho nhà chung cư nhưng cũng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhanh trước mắt để vật liệu này có thể chủ động thay thế hoàn toàn vật liệu vách ngăn truyền thống.

Ngăn chia không gian với thạch cao. Ảnh 01

Ngăn chia không gian với thạch cao – Ảnh 01

Trong kết cấu nhà hiện đại, kết cấu khung bê tông cốt thép được sử dụng làm kết cấu chịu lực chính khá phổ biến; và cách làm truyền thống vẫn đang được dùng là sử dụng tường gạch làm cấu kiện ngăn chia không gian cũng như bao che cho công trình. Với khối lượng khá lớn (tới 200kg/m2), tường gạch sẽ tạo ra một tải trọng tĩnh đáng kể lên kết cấu khung.

Như vậy, không chỉ kết cấu khung bê tông cốt thép phải được tăng cường để chắc chắn hơn, mà hệ móng của tòa nhà cũng phải lớn hơn, để có thể đỡ được toàn bộ khối lượng của kết cấu bên trên. Trước tình hình này, nhu cầu sử dụng các loại vật liệu nhẹ đã trở thành hết sức cấp thiết. Trong xu thế đó, vật liệu vách ngăn chia bằng thạch cao đang dần chiếm được ưu thế tốt cho vật liệu vách ngăn chia truyền thống và được thị trường chấp nhận.

Về mặt tính năng sử dụng, minh chứng rõ ràng nhất là với những tính năng vượt trội so với tường gạch như: tính cách âm tốt, khả năng chống cháy cao cấp, trọng lượng nhẹ chỉ bằng 1/10 trọng lượng tường gạch, tốc độ thi công nhanh, chất lượng hoàn thiện tốt, đồng thời có độ bền chắc đảm bảo tiêu chuẩn… tường thạch cao đã và đang dần thay thế tường gạch truyền thống trong các công trình xây dựng tại các quốc gia phát triển trên thế giới từ rất nhiều thập kỷ qua.

Ngăn chia không gian với thạch cao. Ảnh 02

Ngăn chia không gian với thạch cao – Ảnh 02

Tỷ lệ sử dụng thạch cao trên đầu người ở các nước châu âu và khu vực Bắc Mỹ lên đến 10 – 11 m2/người/năm, ở các nước châu á phát triển cũng đã đạt 3 – 4m2/người/năm. Trong khi ở Việt nam tỷ lệ này mới chỉ khiêm tốn ở mức 0.29m2/người/năm.

Xét thêm điều kiện khí hậu, vật liệu thạch cao là một trong những loại vật liệu thích hợp nhất. Việt Nam là một nước khí hậu nhiệt đới, lại đang rất thiếu điện sinh hoạt nhưng hầu hết các loại vật liệu xây dựng hiện nay đều chưa đảm bảo cách nhiệt tối ưu cho tường ngoài, nhiệt lượng thất thoát ra ngoài là rất lớn. Muốn đảm bảo tiết kiệm năng lượng lại phải xây tường dày, như thế hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Tường thạch cao với hệ số dẫn nhiệt rất thấp, kết cấu tường gọn nhẹ là phương án thay thế tốt nhất cho tường gạch truyền thống.

Vật liệu thạch cao đã góp phần tạo ra nhiều xu hướng mới cho thiết kế nội và ngoại thất. Tấm thạch cao giờ đây sau một thời gian cải tiến chất lượng đã dần có đặc tính tốt hơn và bền hơn. Tấm thạch cao chống cháy có tính chất vật lý và hóa học có khả năng chống cháy lên đến 120 phút tùy theo chiều dày cũng như số lớp đặt cho vách. So sánh hai hệ thống tường thạch cao và tường gạch truyền thống với các chỉ tiêu cơ bản, chúng ta thấy, bên cạnh ưu thế về cách nhiệt, còn có thể chịu ẩm.

Các hệ thống thạch cao còn có thể sử dụng làm tường ngăn cho các khu vực thoát hiểm hoặc các phòng lưu trữ thông tin. Ngoài ra, sản phẩm có khả năng chịu được trong môi trường ẩm ướt như bếp. Mức độ cách âm của thạch cao nếu thiết kế và lắp đặt đúng cách có thể đạt đến khả năng chống ồn lên đến 80 db, khả năng tiêu âm lên đến 70%.

Thạch cao hiện nay có thể coi là vật liệu dễ kết hợp với đèn trang trí nên có thể tạo nên những không gian kiến trúc hài hòa, bắt nhịp cùng cảm quan xung quanh, có thể che dấu các hệ thống kỹ thuật công trình như điều hòa, điện, nước, thông tin liên lạc. Hệ thống trần “âm”, với đặc tính dễ cắt ghép, uốn cong nên có thể tạo ra được nhiều hình dáng đặc biệt như ý muốn như hình khối 3D dạng uốn lượn.

Những định hướng cần giải quyết…

Trong tương lai gần, để loại vật liệu vách thạch cao có thể thay thế các loại vách ngăn truyền thống, cần có một lộ trình định hướng cụ thể để phát triển loại vật liệu này, như là một trong những loại vật liệu mũi nhọn cho các giải pháp phân chia không gian bên trong tòa nhà.

Ngăn chia không gian với thạch cao. Ảnh 03

Ngăn chia không gian với thạch cao – Ảnh 03

Một thực tế là vẫn còn thiếu những quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc sử dụng vách thạch cao một cách thống nhất từ chất lượng yêu cầu cho từng thể loại, từng hạng mục công trình, tránh tình trạng sử dụng các loại vách thạch cao trôi nổi có nguồn gốc không rõ ràng trên thị trường, đánh đồng xấu tốt, gây giảm sút cho tuổi thọ của công trình. Hệ khung xương bên trong vách và các vật liệu phụ trợ cách nhiệt cách âm đi kèm cũng cần có những quy định cụ thể hơn. Như với nhà dân dụng, ở nước ngoài, vách thạch cao tiêu âm trong các quy chuẩn là hạn chế sử dụng các loại vật liệu bông thủy tinh do ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chỉ sử dụng một số sản phẩm chuyên dụng. Tuy nhiên, các quy định này ở Việt Nam hiện vẫn còn thiếu hoặc có thì chung chung.

Bích Ngọc – Văn phòng tư vấn thiết kế Kiến Tạo Việt

Mời các bạn đọc cùng tham khảo tại link https://kientaoviet.vn/tran-vach-tam-op-trang-tri.html