Nhà liền kề là như thế nào? Những quy định về nhà liền kề
Nội dung bài viết
Nhà phố liền kề hay còn gọi là nhà phố thương mại là loại hình thường xuất hiện trong hầu hết các dự án khu đô thị hiện nay. Đây là loại hình được đánh giá là có tính sinh lời cao vì có nhiều giá trị ngoài công năng để ở.
Nhà ở liền kề là gì?
Nhà ở liền kề – liền kề là loại nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân được xây dựng liền nhau, thông nhiều tầng được xây dựng sát nhau thành dãy trong những lô đất nằm liền nhau và có chiều rộng nhỏ hơn so với chiều sâu (chiều dài) của nhà, cùng sử dụng chung một hệ thống hạ tầng của khu vực đô thị.
Loại nhà ở liền kề, phía trước hoặc phía sau nhà có một khoảng sân vườn nằm trong khuôn viên của mỗi nhà và kích thước được lấy thống nhất cả dãy theo quy hoạch chi tiết của khu vực.
Ưu điểm của nhà liền kề
+ Nhà liền kề được thiết kế theo kiến trúc hiện đại, đẹp mắt, mang tính quy hoạch, đồng bộ. Nên nhìn từ tổng qua khu đô thị cho đến kiến trúc của từng căn hộ đều rất đẹp mắt, mới lạ và sang trọng.
+ Các tiện ích của cuộc sống được tích hợp trong khuôn viên khu đô thị. Từ trường học, nhà hàng, công viên, khu vui chơi giải trí, đều rất thuận tiện.
+ Cơ sở hạ tầng, giao thuận lợi. Việc di chuyển, đi lại rất dễ dàng, nhanh chóng.
+ Là loại hình nhà ở nằm trong khu đô thị có trình độ dân trí cao, đời sống văn minh.
+ Vừa yên tĩnh vừa thoáng mát.
+ Nhà phố liền kề được bán theo kiểu hoàn thiện cơ bản và hoàn thiện đầy đủ. Bạn có thể thoải mái lựa chọn mua theo mục đích của mình.
Nhược điểm của nhà liền kề
+ Các nhà được xây dựng giống nhau. Bạn không thể điều chỉnh thiết kế theo nhu cầu riêng của mình.
+ Trong trường hợp xảy ra tình trạng hư hỏng, xuống cấp thì việc sửa chữa cải tạo gặp nhiều khó khăn. Do hệ thống điện nước giữa các căn hộ nó có sự liên quan với nhau và nó được thiết kế đồng bộ ngay từ khi khởi công.
+ Chi phí cao, thường thì nhà liền kề ở các tỉnh thành đều rơi vào khoảng 2-3 tỷ đồng một căn. Với các nhà phố liền kề thì giá bán có thể đến 4-5 tỷ một căn tùy vào từng tỉnh thành, tùy vào vị trí của khu đô thị. Chính vì vậy, nhà phố liền kề, nhà liền kề thường là loại hình nhà ở cao cấp dành cho những người giàu có.
Như vậy, nếu bạn là người có điều kiện, vốn lớn thì nên mua nhà liền kề hoặc nhà phố liền kề để ở hoặc để đầu tư bất động sản đều được. Đây cũng đang là xu thế đầu tư bất động sản đang nở rộ trong những năm gần đây.
Còn nếu bạn là người có điều kiện kinh tế tầm trung, tổng thu nhập chỉ ở mức đủ ăn đủ tiêu. Không có sự hậu thuẫn của gia đình, cũng không có dòng tiền dự trữ thì không nên mua nhà liền kề. Tránh dẫn đến việc gặp khó khăn về kinh tế sau khi cố mua bất động sản này.
Quy định chung phân lô và xây dựng nhà ở liền kề
Nhà ở liên kề được xây dựng theo quy hoạch chung tại các tuyến đường trong đô thị hoặc ngoại vi. Việc thiết kế và xây dựng phải tuân thủ theo thiết kế và quy định về kiến trúc đô thị được duyệt đối với nhà ở riêng lẻ.
Khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo nhà liền kề hai bên tuyến đường đô thị phải hài hòa với tổng thể kiến trúc tuyến phố và phải bảo đảm mỹ quan riêng của công trình.
Khi thiết kế mặt đứng cho một dãy nhà ở liền kề mặt phố cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
Có số tầng và cao độ các tầng như nhau trong một dãy nhà;
Có hình thức kiến trúc hài hoà và mái đồng nhất trong một khu vực;
Có màu sắc chung cho một dãy nhà;
Thống nhất khoảng lùi và hình thức hàng rào cho một dãy nhà;
Có hệ thống kỹ thuật hạ tầng thống nhất;
Chiều dài của một dãy nhà ở liền kề không lớn hơn 60 m. Trong một đoạn phố có thể có nhiều dãy nhà khác nhau.
Giữa các dãy nhà phải bố trí đường giao thông với chiều rộng không nhỏ hơn 4,0 m.
Nhà ở liền kề mặt phố xây dựng mới không đồng thời thì các nhà xây sau phải tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt và thống nhất với các nhà xây trước về cao độ nền, độ cao tầng 1 (tầng trệt), cao độ ban công, cao độ và độ vươn của ô văng, màu sắc hoàn thiện…
Những khu vực sau đây trong đô thị không cho phép xây nhà ở liền kề:
Trong các khuôn viên, trên các tuyến đường, đoạn đường đã được quy định trong quy hoạch chi tiết là biệt thự;
Các khu vực đã có quy hoạch ổn định; nếu xây dựng nhà ở liền kề phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Trong khuôn viên có các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, các công trình thương mại, dịch vụ, các cơ sở sản xuất;
Trên các tuyến đường, đoạn đường, các khu vực được xác định là đối tượng bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Nhà ở liền kề mặt phố được phép có chung hoặc không có chung bộ phận kết cấu (móng, cột, tường, sàn, mái hoặc các kết cấu giáp lai khác của hai nhà liền kề).
Trường hợp tường chung: Hệ thống kết cấu dầm sàn, cột hoặc bất kỳ một bộ phận nào của ngôi nhà không được xây dựng quá tim tường chung. Chiều dày tường chung không nhỏ hơn 0,2 m;
Trường hợp có tường riêng: Chỉ được phép xây dựng trong ranh giới có chủ quyền hoặc quyền sử dụng đất.
Nhà ở liền kề có sân vườn thì kích thước tối thiểu (tính từ mặt nhà đến chỉ giới đường đỏ) của sân trước là 2,4 m và thống nhất theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Trường hợp có thêm sân sau thì kích thước tối thiểu của sân sau là 2,0 m.
Thiết kế nhà ở liền kề phải đảm bảo các quy định khác liên quan như an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, giao thông.
Yêu cầu quy hoạch với nhà ở liền kề
Yêu cầu về lô đất xây dựng nhà ở liền kề
Lô đất xây dựng nhà ở liền kề có chiều rộng không nhỏ hơn 4,5 m và diện tích không nhỏ hơn 45 m2. Tùy thuộc diện tích lô đất xây dựng, mật độ xây dựng nhà ở liền kề được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng.
Nhà ở liền kề xây dựng trong các dự án phải bảo đảm diện tích xây dựng không nhỏ hơn 50m2 và có chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m.
Trường hợp sau khi giải phóng mặt bằng hay nâng cấp cải tạo công trình, diện tích còn lại nhỏ hơn 15 m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3,0 m thì không được phép xây dựng.
Nhà liền kề mặt phố sâu trên 18 m phải có giải pháp kiến trúc tạo không gian đảm bảo thông gió và chiếu sáng.
Ngoài ra còn có thêm các yêu cầu riêng biệt và vô cùng khắt khe khác cho nhà ở liền kề:
- Yêu cầu về khoảng lùi
- Yêu cầu về tầm nhìn
- Yêu cầu về khoảng cách và quan hệ với công trình bên cạnh
- Yêu cầu về chiều cao
- Yêu cầu về kiến trúc
- Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy
- Yêu cầu về hệ thống kỹ thuật và vệ sinh môi trường
Trong nội dung bài viết này chúng tôi đã định nghĩa giúp bạn đọc khái niệm nhà liền kề là gì? Nhà phố liền kề là gì? Đồng thời phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của loại hình nhà ở này. Hy vọng đã mang lại cho bạn đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích.