Đất đai ế, doanh nghiệp mở sân bóng cho thuê

Đất đai ế, doanh nghiệp mở sân bóng cho thuê

Đôi nét về thực trạng đất đai ế, doanh nghiệp mở sân bóng cho thuê.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, “lãnh địa” của những sân bóng mini tập trung nhiều nhất ở phía Tây thành phố. Chỉ tính riêng tại các khu vực Trung Hòa, Nam Trung Yên, (thuộc quận Cầu Giấy), Mỹ Đình (thuộc huyện Từ Liêm) đã có trên dưới 20 sân bóng đá. Phần lớn những sân bóng này được xây dựng trên diện tích đất nền các dự án bất động sản mà chủ dự án vì nhiều lý do chưa thể triển khai xây dựng.

Sau hơn một năm đình trệ của thị trường bất động sản, rất nhiều công trình đã thực hiện xong công tác giải phóng đền bù nhưng vẫn đắp chiếu vì chưa có vốn. Để tận thu, nhiều doanh nghiệp đã cho thuê lại hoặc tự mở sân bóng đá mini để kinh doanh.

Thông tin từ các chủ nhân của các sân bóng mini trên địa bàn huyện Từ Liêm cho biết, tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng cá nhân, thuê một mảnh đất từ một dự án chưa khởi công mất khoảng 200 triệu – 500 triệu đồng/năm. Ngoài khoản tiền thuê đất, chủ đầu tư sẽ phải bỏ khoảng 200 triệu đồng chi phí xây dựng một sân bóng mini 7 người chơi. Thông thường một sân cỏ nhân tạo có ít nhất từ 2 – 4 sân bóng mini. Cùng với đó là hệ thống hàng rào quây bằng tôn bên ngoài, căng lưới bên trong để chắn không cho bóng bay ra bên ngoài ảnh hưởng đến khu dân cư nên các chủ đầu tư sân bóng mini chỉ cần bỏ ra một khoản tiền không đáng kể để xây cơ sở hạ tầng.

Thông thường, những người đầu tư sân bóng mini thường làm hợp đồng thuê lại đất dự án trong vòng 2 năm. “Làm sân bóng muốn có lãi thì hợp đồng thuê đất phải từ 2 năm trở lên bởi số tiền bỏ ra đầu tư làm sân phải mất khoảng 12 – 14 tháng mới thu hồi đủ”, chủ sân bóng ở đường Phạm Hùng cho biết.

Theo khảo sát giá tại các sân bóng đá nhân tạo khu vực Mỹ Đình, giá thuê sân không phải giờ cao điểm khoảng 300 – 400 ngàn đồng /90 phút. Trong khung giờ cao điểm từ 17h đến 20h, giá thuê sân từ 500 – 700 ngàn đồng/90 phút. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày chủ sân có thể cho thuê trung bình 4 trận/1 sân, các chủ sân thu về khoảng 3 – 7 triệu trong đó bao gồm cả tiền trông xe, bán nước, dịch vụ thuê bóng, thuê đồ….

Nếu chủ sân bóng mini nào may mắn có được hợp đồng khai thác sân dài hạn lên tới 4-5 năm thì khoản đầu tư này tỏ ra rất hiệu quả và an toàn. Xét về nhiều khía cạnh, đây là hình thức kinh doanh chính đáng khi đáp ứng nhu cầu của người yêu thể thao. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn sân bóng mini đang nằm trên đất dự án treo, đất nông nghiệp vừa thu hồi phục vụ các dự án xây dựng.

Hiện tại, khu vực dọc đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, Nhân Mỹ, đường Tôn Thất Thuyết, Mễ Trì Thượng, tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài tới hết Lê Quang Đạo, dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long đang là điểm nóng của thành phố trong việc lấy đất dự án cho thuê làm sân bóng mini.

Ở khu vực đường Phạm Hùng, khu đất dự án của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (ThangLong Invest Group – TIG) từ nhiều năm nay đã thành sân bóng đá cho thuê. Tại đây, khu đất hàng nghìn mét vuông được vây kín bằng bờ rào tôn, bên trong khu đất được chia thành 3 sân bóng mini, chưa kể còn kinh doanh cả dịch vụ giải khát, gửi xe..

Ngay trên tuyến đường Mễ Trì có thể dễ dàng nhận thấy biển chỉ dẫn đường vào sân bóng mini CT6 khu Đô thị Mỹ Đình – Sông Đà. Đây là khu đất vừa được thu hồi cuối năm 2012 giao cho UBND xã Mỹ Đình xây dựng trường tiểu học công lập Mỹ Đình. Tuy nhiên, sân bóng đá mini này đã tồn tại ở đây từ cuối năm 2011.

Đối diện SVĐ Mỹ Đình còn có số lượng lớn loại sân bóng mini như cụm sân Phú Hưng (số 8 Lê Đức Thọ), cụm 11 sân bên trong khu dịch vụ ô tô Mỹ Đình, sân bóng Hoàng Phong (cuối đường Trần Hữu Dực, Mỹ Đình).

Hai bên tuyến đường kéo dài từ ngã tư Lê Đức Thọ – Hồ Tùng Mậu, ngay tại dự án công viên – hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch (nằm trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) là “trung tâm thể thao” Fecon với 4 sân bóng cỏ nhân tạo loại 7 người và 2 sân tennis.

Trong khi đó, tại ngã tư Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo đang tồn tại 4 sân bóng cỏ nhân tạo, tại giao lộ Lê Quang Đạo – Đại lộ Thăng Long, sân bóng Anh Em giăng biển cho thuê sân từ 350.000 – 450.000 đồng/trận.

Tại buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội ngày 12/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Nguyễn Kim Vinh khẳng định, có thực trạng thuê đất của dự án để mở sân cỏ nhân tạo trên địa bàn huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Vinh khẳng định, hầu hết các sân bóng mini là hình thành tự phát chứ huyện không cấp phép cho một trường hợp nào. Ông Nguyễn Kim Vinh cũng cho biết thêm, UBND huyện đang chỉ đạo các xã và các ngành chức năng nếu phát hiện sân bóng mini mở trái phép trên đất dự án sẽ lập hồ sở xử lý.

Văn phòng tư vấn thiết kế kiến trúc Kiến Tạo Việt- Tổng hợp